Mazda CX-5 được mệnh danh là "con gà đẻ trứng vàng" cho thương hiệu xe Nhật Bản tại Việt Nam. Từ khi xuất hiện lần đầu trên thị trường, dòng xe này đã trải qua 2 thế hệ và nhiều đợt nâng cấp. Những cải tiến liên tục khiến Mazda CX-5 chưa bao giờ hết "hot" và hầu như luôn xuất hiện trong top 10 những mẫu xe bán chạy nhất mỗi tháng.
Chiếc Mazda CX-5 trong bài đánh giá lần này là phiên bản 2.5L 2WD, được sản xuất trong khoảng nửa đầu năm 2019 và có giá lăn bánh khi mua mới khoảng 1,1 tỷ đồng. Đây là thời điểm mà dòng xe CX-5 thế hệ thứ 2 đã có mặt trên thị trường Việt Nam được gần 2 năm (ra mắt từ cuối 2017).
Ngoại hình
Thiết kế của CX-5 thế hệ thứ 2 được thay đổi triệt để so với mẫu thế hệ cũ, khiến cho chiếc xe trở nên hiện đại hơn đồng thời cũng mang vẻ thanh lịch, rất bắt mắt. Đến tận bây giờ, phong cách thiết kế này vẫn đang được duy trì trên các mẫu xe CX-5 đời mới dù đã trải qua nâng cấp facelift nhẹ, do đó những chủ sở hữu CX-5 mua xe trong giai đoạn từ cuối 2017 đến đầu 2019 không hề cảm thấy xe mình bị lỗi thời.
Ngay cả khi so với những dòng xe ngang tầm kích thước của các thương hiệu khác, CX-5 tỏ rõ ưu thế khi có bản sắc riêng đến từ ngôn ngữ thiết kế Kodo vốn dĩ rất thành công vì áp dụng cho bất cứ mẫu xe Mazda nào cũng đẹp, dù là sedan gầm thấp hay các mẫu crossover gầm cao như CX-5. Mặt trước xe là dải đèn thanh mảnh nối liền lưới tản nhiệt hình ngũ giác mang họa tiết 3D, có chiều sâu và dễ dàng gây cảm tình. Phía sau có cụm đèn hậu mỏng, sắc nét. Mọi thứ đều tỏ ra đơn giản, không cầu kỳ, hiện đại mà không hề phô trương.
Là dòng xe crossover hạng trung, Mazda CX-5 có kích thước 4.550 x 1.840 x 1680 mm, chiều dài cơ sở 2.700 mm, khoảng sáng gầm 200 mm và bán kính vòng quay 5,46 m. Một phần nguyên nhân khiến xe ăn khách nằm ở yếu tố này, khi mà kích thước xe giúp CX-5 đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng, trong khi vẫn đảm bảo sự linh hoạt khi di chuyển trong các đô thị đông đúc. Các dòng xe nhỏ hơn sẽ gặp vấn đề về không gian chật chội, còn những dòng xe lớn hơn lại quá thừa thãi với các gia đình nếu không đi xa thường xuyên và tỏ ra cồng kềnh khi đi phố.
CX-5 2.5L 2WD đời đầu 2019 được trang bị đèn pha LED tự động cân bằng góc chiếu và có thêm tính năng thích ứng thông minh (ALH), giúp không gây chói mắt các xe ngược chiều khi tự nhận diện và chuyển từ chiếu xa sang chiếu gần tạm thời. Phía bên hông là bộ mâm hợp kim 19-inch 5 chấu với nét cá tính, càng khiến xe thêm phần bắt mắt. Trên nóc xe có thể thấy ăng-ten dạng đuôi cá đậm tính thể thao. Cốp sau đóng/mở điện bằng cách nhấn nút trên chìa khóa.
Nội thất
Một trong những điểm gây ấn tượng tốt về Mazda CX-5 thế hệ thứ 2 là khoang nội thất được thiết kế theo phong cách tối giản, đem lại cảm giác sang trọng lịch lãm vốn hiếm thấy ở những mẫu xe tầm giá 1 tỷ đồng vào thời điểm năm 2017 lúc xe mới ra mắt Việt Nam. Thậm chí cho đến nay, khi nhiều dòng xe phổ thông đã hòa theo xu hướng này và cố gắng bắt chước theo, phong cách nội thất của CX-5 lại càng tỏ ra hợp thời.
Khu vực bảng táp-lô tối giản hóa, lấy điểm nhấn trung tâm là màn hình cảm ứng 7-inch được nâng lên so với bề mặt. Các thiết lập trong màn hình này còn có thể thao tác được qua núm xoay và các nút vật lý phía dưới cần số. 4 hốc gió điều hòa được tinh chỉnh sắc cạnh và sắp xếp đối xứng, mạ viền chrome mang lại vẻ sang trọng cho không gian. Các nút điều khiển được dời xuống thấp, vừa với tầm tay của 2 người ngồi trước.
Bộ ghế được bọc da tổng hợp, không chỉ cao cấp mà còn thoải mái và êm ái cho người ngồi, đặc biệt nhờ kiểu thiết kế ôm sát lưng và hông. Cả 2 ghế trước của bản 2.5L 2WD đều chỉnh điện, trong đó ghế lái được thêm tính năng nhớ 2 vị trí. Khi chỉnh ghế trước vừa đủ để sử dụng thuận tiện, hàng ghế sau vẫn có được không gian thoáng đãng. Hành khách ngồi sau vừa có được sự thư giãn do tựa đầu dày dặn và nệm ghế êm, vừa được tận hưởng khe gió điều hòa riêng rất tiện lợi.
CX-5 bản 2.5L 2WD còn có nhiều tiện ích như khởi động bằng nút bấm, hiển thị thông tin HUD trên kính lái, cửa sổ trời mở điện, dàn âm thanh Bose 10 loa, phanh tay điện tử với chức năng Auto Hold… và đặc biệt là sở hữu gói công nghệ an toàn i-ActivSense. Những tính năng như cảnh báo điểm mù BSM, cảnh báo chệch làn đường LDWS, cảnh báo phương tiện cắt ngang RCTA và hỗ trợ giữ làn đường LAS đều là "của hiếm" đối với xe phổ thông giai đoạn 2017 – 2019. Coi như các chủ xe CX-5 trong những năm qua đã được tận hưởng loạt công nghệ hiện đại này tương đối sớm mà không cần phải bỏ ra nhiều chi phí tậu xe hạng sang.
Vận hành
Đúng như tên gọi, CX-5 phiên bản 2.5L 2WD trang bị động cơ xăng SkyActiv-G có dung tích 2.5L, sản sinh công suất 188 mã lực tại 5.700 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 251 Nm tại 3.250 vòng/phút, dẫn động cầu trước, kết hợp với hộp số tự động 6 cấp. Vào thời điểm xe mới ra mắt, đây là phiên bản nằm ở khúc giữa trong danh mục sản phẩm, cao hơn bản 2.0L 2WD và xếp dưới bản 2.5L AWD. Tuy nhiên trên thực tế, bản này gần như giống hệt bản 2.5L AWD về trang bị và chỉ khác ở duy nhất hệ dẫn động, do đó hoàn toàn vượt trội bản 2.0L 2WD.
Sự vượt trội đến từ khả năng vận hành của động cơ. Mazda vẫn đang là nhà sản xuất trung thành với những khối động cơ hút khí tự nhiên và hộp số tự động biến mô, sự kết hợp mang lại cảm giác lái thú vị hơn hẳn so với những động cơ tăng áp và hộp số vô cấp CVT mà nhiều đối thủ đang làm. Mọi phản ứng từ chân ga đều được đáp ứng gần như tức thì, cộng thêm sức động cơ dồi dào ở mọi dải tốc độ nên người lái chỉ cần nhích nhẹ chân là chiếc xe thay đổi tốc độ như mong muốn, rất "đã"!
Ở vị trí ghế lái, CX-5 đem lại tầm nhìn vô cùng thoáng đãng nhờ thiết kế cột A xếp chéo với góc nghiêng lớn và lùi hẳn lại phía sau khá nhiều. Chỉ cần chỉnh ghế với độ cao vừa đủ là người lái sẽ dễ dàng quan sát tình hình giao thông xung quanh. Vô-lăng 3 chấu có đủ các nút bấm điều khiển thiết yếu, cộng thêm thông số vận tốc hiển thị qua HUD trên kính lái, giúp tài xế luôn chủ động mà không phải rời mắt khỏi đường đi trước mặt.
Đối với những người muốn tùy biến chức năng của xe theo sở thích, CX-5 đáp ứng với nhiều tiện ích như nút chuyển chế độ lái Sport khiến xe vận hành lanh lẹ hơn, hệ thống ga tự động cruise control thông minh MRCC trợ giúp đắc lực khi lái xe đường dài, hoặc nút bật/tắt chế độ dừng nghỉ động cơ i-Stop khi phải dừng đèn đỏ hoặc nhích từng chút một vào giờ cao điểm.
Dòng xe CX-5 nói riêng và các mẫu Mazda thế hệ mới nói chung còn sở hữu một tính năng vô cùng đáng giá là hệ thống hỗ trợ kiểm soát gia tốc G-Vectoring Control (GVC). Với hệ thống này, thân xe được giữ ổn định ở hầu hết mọi tình huống, hạn chế sự chao đảo cho hành khách, giúp việc di chuyển thoải mái hơn đặc biệt những lúc vào cua hơi mạnh. Nói ngắn gọn, công dụng chính của GVC là giúp hành khách… đỡ say xe hơn hẳn. Phải trải nghiệm thực tế mới thấy được rõ hiệu quả mà GVC đem lại.
Chiếc CX-5 trong bài chỉ mới đi được hơn 23.000 km sau gần 3 năm sử dụng, vì chủ xe chỉ sử dụng chủ yếu trong thành phố và không mấy khi đi xa. Trong một vài chuyến du lịch đường dài hiếm hoi, di chuyển trên cao tốc hoặc quốc lộ thì CX-5 thể hiện tốt ở khả năng cách âm từ khung vỏ và chỉ hơi ồn do tiếng lốp mỏng vọng lên. Khoang hành lý ở cốp sau cũng đủ rộng rãi cho những chuyến đi ngắn ngày với cả gia đình.
Kết luận
Với những gì đã thể hiện, Mazda CX-5 thế hệ thứ 2 đã cho thấy vì sao đây là mẫu xe ăn khách bậc nhất không chỉ của riêng thương hiệu Mazda, ở riêng phân khúc crossover gầm cao cỡ trung, mà xét trên toàn bộ thị trường ô tô tại Việt Nam. Đây là một sản phẩm có nhiều ưu điểm ở gần như mọi phương diện, qua đó có thể dễ dàng đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của phần đông khách hàng.
Với kiểu dáng ưa nhìn và không bị lỗi thời, cộng với khả năng vận hành nhạy bén cùng các công nghệ hỗ trợ "tận răng", dòng xe CX-5 từ 2017 đến nay tỏ ra không hề thua kém bất cứ mẫu xe đời mới nào. Vì vậy, nếu đang tìm kiếm một chiếc CX-5 thế hệ thứ 2 đã qua sử dụng, bạn vẫn sẽ được tận hưởng một phương tiện di chuyển rất thời thượng mà không cần phải bỏ ra nhiều chi phí. Được biết, các xe CX-5 2.5L 2WD thuộc đời 2019 chưa facelift hiện nay đang được rao bán với mức giá khoảng trên dưới 850 triệu đồng.
Tổng hợp