Xoay vô-lăng là kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với bất cứ người nào lái xe ô tô. Tuy nhiên kiến thức về vấn đề này thường là được truyền lại dựa trên kinh nghiệm của những tài xế đi trước, nên theo thời gian có những thứ trở nên lỗi thời hoặc thậm chí bị hiểu sai.
Tóm tắt
– Luôn lái bằng cách "vần vô-lăng" – đưa vô-lăng chuyển động qua 2 tay, sao cho bạn luôn có ít nhất một tay nắm chặt vô-lăng trong lúc thao tác; không nên bắt chéo tay
– Học cách đánh lái chính xác khi đã nhận thức rõ ràng về chiều rộng chiếc xe của bạn; tránh các chuyển động thô bạo mà trong điều kiện không tốt có thể làm trượt bánh
– Giữ vô-lăng nhẹ nhàng, không cần nắm quá chặt nhưng cũng không được lơ đãng buông tay
Trước hết, bạn cần phải chỉnh ghế theo tư thế ngồi chuẩn, đã được đề cập ở ĐÂY. Sau đó hãy xác định tư thế cầm vô-lăng chuẩn: coi vô-lăng như một mặt đồng hồ, đặt tay phải ở vị trí 3 giờ còn tay trái ở vị trí 9 giờ. 4 ngón tay ôm vào vành vô-lăng, ngón tay cái đặt dọc theo vành vô-lăng. Cách cầm này sẽ tối ưu hóa kiểm soát, an toàn và khả năng đánh lái cũng như điều khiển các bộ phận khác như đèn, xi-nhan, gạt mưa, cần số…
Khi tư thế ngồi và tư thế cầm vô-lăng đều đã chuẩn, bạn sẽ nhận thấy rằng vai và tay được thả lỏng, việc này giúp lái xe trong thời gian dài không bị mỏi và cứng người. Bạn cũng có thể hạ xuống vị trí 4 giờ và 8 giờ để thư giãn hơn.
Ngoài ra, hãy chú ý không đặt tay ở vị trí cao, vì khi xảy ra va chạm, túi khí được kích hoạt và đẩy ra với một lực cực mạnh. Nếu bạn để tay sai quy cách trong trường hợp này sẽ khiến tay bạn đập vào mặt hoặc sẽ khiến bạn bị thương tích nặng hơn.
Vần vô-lăng
Còn được biết đến với cái tên "feeding the wheel", thao tác vần vô-lăng được thực hiện bằng cách nhẹ nhàng đánh lái theo chiều uốn của đường. Ví dụ như khi rẽ trái, tay trái của bạn sẽ kéo vô-lăng theo hướng đi xuống, còn tay phải nắm hờ để vô-lăng trượt qua. Khi tay trái đã chạm đến điểm thấp nhất, ngưng không dùng tay trái nữa mà để tay phải nắm lấy vô-lăng và tiếp tục – cùng lúc đó tay trái cần trở về điểm cao nhất và sẵn sàng thực hiện tiếp thao tác khi tay phải chạm đến điểm này.
Nguyên tắc thực hiện đúng thao tác này là mỗi bàn tay của bạn chỉ phụ trách một nửa vô-lăng, phân chia ở đỉnh và đáy của vô-lăng. Khi đánh lái, tay phải không được lấn sang phạm vi của tay trái và ngược lại. Do đó, điều này cũng có nghĩa là bạn không nên áp dụng các thao tác đánh lái bắt chéo tay khi lái xe hàng ngày. Bắt chéo tay đúng là giúp xử lý nhanh, nhưng làm thế sẽ chặn đường bung của túi khí lúc xảy ra tai nạn và nên nhớ bạn không phải tay đua trong trường đua.
Các mẫu xe đời mới hiện nay đa số đều có trợ lực vô-lăng, khiến cho thao tác đánh lái trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều so với vài chục năm về trước. Chính vì thế nên nhiều người thường có thói quen để vô-lăng xe tự trả lái sau khi ra khỏi khúc cua. Lời khuyên là bạn không nên làm vậy, thay vào đó hãy luôn kiểm soát vô-lăng và chủ động trả lái lại về vị trí thẳng. Nếu bạn thả lỏng các ngón tay để xe tự trả lái, bạn sẽ mất một khoảng thời gian không biết rằng lúc này vị trí nào của vô-lăng tương ứng với hướng nào của 2 bánh trước, rồi sau đó lại cần thêm thời gian để giành lại sự kiểm soát này. Một vài giây dù ngắn ngủi và những lúc bình thường thì không sao, nhưng khi có chuyện khẩn cấp xảy ra thì sẽ là vô cùng quý giá.
Đánh lái chính xác
Nhiều người lái xe gặp khó khăn khi cần đánh giá chính xác chiều rộng chiếc xe ô tô của họ, họ thường hình dung chiếc xe rộng hơn thực tế nên dễ thấy những trường hợp oái oăm như không dám đi vào đường hơi chật hẹp hoặc chật vật tìm lối ra khỏi chỗ đỗ xe – mặc dù nếu quan sát từ bên ngoài thì không gian vẫn đủ rộng cho chiếc xe xoay sở.
Bạn nên dành chút thời gian làm quen với chiếc xe của mình bằng cách tập canh đầu xe, đuôi xe với các chướng ngại vật xung quanh. Một khi đã nhận thức đúng đắn về việc này, bạn sẽ không ngại việc phải luồn lách trên đường phố đông đúc vào giờ cao điểm nữa. Qua đó, cách bạn vần vô-lăng cũng sẽ đạt độ chính xác cao hơn, trở nên nhuần nhuyễn hơn.
Nắm vô-lăng một cách vừa đủ
Nắm vô-lăng không nên chặt cứng, chỉ vừa đủ lực để có thể kiểm soát vô-lăng. Nếu bạn nắm quá chặt, sẽ khó có thể cảm nhận được sự phản hồi, đồng thời cũng khiến bạn nhanh bị mỏi và mất sức không cần thiết. Một tư thế thoải mái sẽ giúp nhận biết rõ rệt hệ thống đánh lái làm việc cũng như chất lượng mặt đường ra sao.
Một lý do khác cũng đến từ việc ngày nay các hệ thống trợ lực vô-lăng đã quá phổ biến, nên người lái không cần tác động quá nhiều sức để khiến vô-lăng di chuyển. Nếu bạn nắm chặt, bạn dùng nhiều sức hơn và có thể khiến chiếc xe bị lệch đi nhiều hơn so với mong muốn. Nắm vô-lăng nhẹ nhàng, các thao tác sửa lái sẽ dễ thực hiện hơn.
Hiểu đúng về thừa lái và thiếu lái
Nhiều người thường hay hiểu rằng các khái niệm "thừa lái" (oversteer) và "thiếu lái" (understeer) là để chỉ những hiện tượng xe không ôm cua theo ý muốn, dẫn đến bị văng ra khỏi đường, gây nguy hiểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lái xe an toàn tại Anh Quốc, những khái niệm này thực chất lại xuất phát từ việc miêu tả bản chất kỹ thuật của một chiếc xe ô tô.
Giả sử, đối với cùng một đoạn đường cong và ở cùng một mức tốc độ, xe dẫn động cầu trước thường sẽ yêu cầu người lái phải đánh hết lái và giữ chặt vô-lăng ở ngưỡng này cho đến khi gần qua hết cua, trong khi xe dẫn động cầu sau (hoặc động cơ đặt sau) thì không cần phải đánh hết lái, mà thậm chí là cần nương tay. Do đó, xe dẫn động cầu trước chính là biểu hiện của sự "thiếu lái" (người lái cần tác động nhiều lực để bù lại), còn xe dẫn động cầu sau là "thừa lái" (người lái phải kiềm chế tránh tác động lực nhiều hơn cần thiết).
Khi bạn đi mượn hoặc thuê xe, việc biết chiếc xe đó dẫn động thế nào sẽ giúp bạn xác định nên xử lý ra sao khi cần đánh lái vô-lăng. Ngay cả với những chiếc dẫn động 4 bánh (2 cầu) thì cũng nên tìm hiểu kỹ vì hầu hết các hệ thống này ở trạng thái mặc định thường chỉ ưu tiên 1 cầu (cầu trước hay cầu sau tùy loại xe) và hầu như không khi nào dẫn động toàn bộ cả 4 bánh trừ khi gặp tình huống đặc biệt.
Tổng hợp