HUD – tiện ích cần có trên xe hơi hiện đại

Với những thông tin từ HUD chiếu ngay tầm mắt, người lái có thể tiếp tục nhìn đường để điều khiển xe an toàn, không lo bị phân tâm vì phải mất công đánh mắt xuống bảng đồng hồ hay nhìn đi đâu khác…

HUD là gì?

HUD (Head-Up Display) là thiết bị hiển thị thông tin ngang tầm mắt. Nó giúp chúng ta quan sát các thông tin, thông số hoạt động của phương tiện đang sử dụng ngay khi đang tập trung nhìn thẳng hướng phía trước, mà không cần phải cúi xuống nhìn bảng điều khiển hay nhìn sang chỗ khác.


HUD được ứng dụng đầu tiên trong ngành hàng không

HUD được phát minh và sử dụng thời gian đầu cho các máy bay chiến đấu quân sự ở thời kỳ trước Thế chiến II. Lúc đó, các nhà khoa học đã nhận thấy khó khăn của phi công phải liên tục đảo mắt qua lại, từ nhìn thẳng phía trước đến cúi xuống nhìn radar tìm mục tiêu. Chiến tranh đã thúc đẩy công nghệ này phát triển và phổ biến rộng rãi, đến thời bình thì nó được mở rộng sang ngành hàng không thương mại và sau đó đến ngành công nghiệp ô tô.

Năm 1988, chiếc Oldsmobile Cutlass Supreme của General Motors đã đi vào lịch sử như là chiếc xe đầu tiên trang bị HUD. Dần dần, HUD xuất hiện trên các dòng xe sang, siêu xe hoặc các phiên bản cao cấp. Giờ đây, ngay cả những hãng xe phổ thông cũng lắp đặt sẵn HUD từ trong nhà máy cho sản phẩm của họ. Bên ngoài thị trường phụ kiện thậm chí còn nhiều mẫu mã, chủng loại đa dạng để người tiêu dùng thoải mái lựa chọn.


Oldsmobile Cutlass Supreme 1988 là chiếc ô tô đầu tiên có HUD

Phân biệt các loại HUD cho xe hơi

Như mọi loại công nghệ hiển thị khác, HUD dành cho ô tô cũng được phân cấp từ cơ bản đến nâng cao. Chúng khác nhau ở cách thức hiển thị thông tin và loại nguồn kết nối đến xe.

Tất cả mọi loại HUD xe hơi đều vận hành như một chiếc máy chiếu, nhưng bề mặt mà hình ảnh được chiếu lên sẽ khác nhau, tùy theo thiết kế sản phẩm. Thường thấy nhất là 2 loại, gồm HUD màn hình rờiHUD hắt kính.

HUD màn hình rời sẽ chiếu hình ảnh lên một màn hình thuỷ tinh trong suốt, được tạo thành từ 2 lớp kính ghép lại với nhau (nên còn gọi là combiner glass). Đối với loại HUD này, máy chiếu và màn hình gắn liền thành một khối nên có thể đặt ở bất cứ vị trí nào trên nóc táp-lô, sao cho thuận tiện nhất với nhu cầu của người lái. Kích thước sản phẩm to nhỏ tùy theo lượng thông tin có thể hiển thị được. Nhược điểm là cồng kềnh và chưa thực sự "ngang tầm mắt".


Một loại HUD màn hình rời

HUD hắt kính sẽ chiếu hình ảnh trực tiếp lên kính chắn gió, có thể hiển thị thông tin ở đúng ngang tầm mắt người lái, đem lại hiệu quả tốt nhất. Loại này thường gọn gàng và tinh tế, tạo cảm giác sang trọng. Tuy nhiên, nó có độ phức tạp cao hơn nên chi phí sản xuất cũng sẽ cao hơn loại HUD màn hình rời. Ngoài ra, do đặc tính kỹ thuật nên HUD hắt kính phải được đặt ở đúng một vị trí nhất định mới phát huy chức năng.


HUD hắt kính trang bị trên Audi Q7

Vì sự khác biệt kể trên nên HUD hắt kính cũng chính là loại thường được các hãng xe trang bị sẵn cho sản phẩm của mình, hầu hết là trên các dòng xe cao cấp, hạng sang. Trong khi đó, HUD màn hình rời là loại thường thấy trên các mẫu xe giá rẻ thuộc các nhãn hiệu phổ thông hơn, đúng với tính chất "tiết kiệm chi phí" của nó. Tuy nhiên giờ đây cũng có không ít các mẫu xe phổ thông đã được trang bị loại HUD hắt kính ngay từ trong nhà máy.

Bên cạnh đó, một lưu ý quan trọng khi lựa chọn HUD là phải xác định chúng sử dụng kết nối nào với xe.

– Một số loại HUD được thiết kế để lấy nguồn từ cổng 12V và những loại này đều tích hợp GPS để cung cấp thông tin về vận tốc, quãng đường… Chúng có ưu điểm là dễ dàng lắp đặt trên bất kỳ dòng xe nào, mới hay cũ đều được. Tuy nhiên nhược điểm là lượng thông tin hiển thị có phần hạn chế và bị phụ thuộc vào tín hiệu GPS nên nếu đi qua những nơi khó kết nối với vệ tinh thì độ chính xác của thông tin sẽ bị ảnh hưởng.


Thậm chí, một số sản phẩm được quảng cáo là "HUD" nhưng thực ra chỉ là màn hình hiển thị trực tiếp thông tin

– Hầu hết các loại HUD hiện nay đều kết nối qua cổng OBD-II. Đây là phương thức tối ưu, cho phép HUD lấy thông số về xe trực tiếp từ hệ thống máy tính của xe, những gì hiển thị trên bảng đồng hồ xe cũng sẽ được truyền tải đầy đủ lên HUD. Do đó, lượng thông tin mà HUD có thể cung cấp đến người dùng là rất nhiều và chỉ bị giới hạn bởi kích thước hiển thị lớn hay nhỏ của HUD mà thôi. Đặc biệt, trong trường hợp nào đó không thể truy cập dữ liệu từ cổng này (chủ yếu do hãng xe thiết lập giới hạn phần cứng), chúng vẫn có thể quay lại dùng GPS tích hợp để cung cấp thông tin cơ bản.


Một loại HUD màn hình rời kết nối qua OBD-II, hiển thị nhiều thông tin trong đó có định vị dẫn đường và nhận biết các loại biển báo giao thông

– Cá biệt, còn có những giải pháp tạo ra giao diện kiểu như HUD bằng phần mềm trên điện thoại smartphone, lấy dữ liệu từ GPS. Tuy không được chính xác như các loại HUD thực thụ, giải pháp này có thể hữu ích nếu người dùng đang dư một chiếc điện thoại không dùng đến và muốn thử trải nghiệm tính năng của HUD xem có phù hợp với nhu cầu của mình hay không.

Ví dụ về một phần mềm tạo giao diện HUD trên điện thoại smartphone

Thời gian gần đây, nhiều loại HUD đời mới thậm chí có thể kết nối với điện thoại smartphone thông qua Bluetooth, qua đó cung cấp thêm thông tin định vị dẫn đường chính xác hơn. Các mẫu HUD hiện đại đang tiến tới kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm OBD-II, GPS và smartphone nhằm đem lại lượng thông tin đầy đủ và chính xác nhất.

Những thông tin HUD có thể hiển thị

– Vận tốc xe đang di chuyển. Đây là thông số quan trọng nhất và cũng là lý do chính để lắp đặt HUD. Tất cả mọi loại HUD đều hiển thị thông tin này.
– Số kilomet/thời gian đi được. Lấy thông tin từ GPS hoặc OBD-II.

Một trong những đặc điểm hấp dẫn của HUD là độ phong phú về khả năng tùy biến giao diện

Các thông tin chỉ có nếu dùng OBD-II:
– Số vòng tua máy
– Mức tiêu thụ nhiên liệu
– Nhiệt độ nước làm mát/nhiệt độ động cơ
– Độ mở bướm ga
– Điện áp ắc quy
– Báo "check engine"

Những thông tin khác, có thể có hoặc không tùy từng mẫu HUD:
– Bản đồ dẫn đường, các loại biển báo giao thông
– Áp suất lốp
– Cảnh báo cửa mở
– Đèn báo rẽ
– Thời gian thực
– Độ cao thực
– Hướng đi Đông – Tây – Nam – Bắc (la bàn)
– Tần số vệ tinh
– Truy cập hình ảnh từ camera hông hoặc camera lùi

Xu hướng tương lai của HUD là mở rộng tính năng để hiển thị thêm nhiều thông tin nữa, chẳng hạn như dẫn đường bằng thực tế ảo tăng cường (AR)

Nên chọn loại HUD nào?

Trên thị trường hiện nay HUD là một loại mặt hàng vô cùng phong phú đa dạng, với đủ mọi nhãn hiệu, kích cỡ, tính năng… Vì vậy, để xác định nên chọn loại nào, cần đối chiếu từ nhu cầu bản thân.

Nếu bạn chỉ cần hiển thị một vài thông tin cơ bản, bổ trợ cho thông số vận tốc xe thì hãy chọn những loại nhỏ gọn, nếu hắt kính được thì càng tốt. Tuy nhiên nếu cần thật nhiều thông tin thì hầu như chỉ những loại HUD màn hình rời là có thể đáp ứng với mức chi phí không quá cao.


Một số loại HUD hắt kính chỉ hiển thị vận tốc, đơn giản và hiệu quả

Ngoài ra, kích thước xe của bạn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của HUD. Với những chiếc xe thể thao có thiết kế kính chắn gió vuốt nghiêng nhiều và thấp so với táp-lô, việc để thêm một chiếc HUD cồng kềnh có thể sẽ khiến tầm nhìn thêm vướng víu, không thực sự tối ưu. Ngược lại, những chiếc SUV hay bán tải cỡ lớn sẽ có nhiều không gian ở khu vực này hơn, lắp đặt loại HUD nào cũng được, thậm chí chọn loại lớn mà vẫn thoải mái.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì tốt nhất vẫn là nên chọn những mẫu xe có trang bị sẵn HUD từ nhà sản xuất. Lúc đó, xe và HUD đồng bộ từ chức năng cho đến thiết kế, hoạt động ổn định và không tạo cảm giác "rời rạc" như với những loại HUD phụ kiện gắn thêm.

Tổng hợp

Trả lời

Top
Vehicle added!
The vehicle is already in the wishlist!