Đây là bằng chứng cho thấy việc lạm dụng các hệ thống điều khiển bằng cảm ứng sẽ khiến thao tác sử dụng xe bị kém đi so với cơ chế nút bấm vật lý truyền thống.
Trong vài năm trở lại đây, một xu hướng rất nổi bật trong ngành công nghiệp ô tô là đưa những màn hình cảm ứng to lớn vào trong xe, cùng với đó là dần thay thế nút bấm điều khiển bằng các bề mặt cảm ứng. Sự thay đổi này làm tăng tính thẩm mỹ cho nội thất xe, nhưng lại chưa hẳn đã có lợi về mặt thực tiễn.
Vừa qua, tạp chí chuyên về xe hơi Vi Bilägare có lịch sử lâu đời nhất Thụy Điển (phát hành lần đầu năm 1930) đã đưa ra kết luận rằng: tại khu vực hệ thống giải trí ở trung tâm táp-lô, việc điều khiển bằng nút bấm vật lý đem lại thao tác chuẩn, nhanh chóng và có độ an toàn cao hơn so với các loại bề mặt cảm ứng.
Trước đó, Vi Bilägare đã tổ chức một loạt những thử nghiệm về khả năng phản xạ của người lái trên 12 chiếc xe khác nhau, với yêu cầu vừa lái vừa thực hiện một số thao tác, rồi xem họ mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành tất cả những thao tác đó.
Cụ thể, những người cầm lái cần phải kích hoạt sưởi ghế, tăng nhiệt độ điều hòa thêm 2 độ, bật chức năng sấy kính, bật đài radio rồi đổi sang một kênh nhất định, reset đồng hồ trip và giảm đèn nền cụm đồng hồ xuống mức thấp nhất. Những thao tác này được yêu cầu thực hiện khi xe đang vận hành ở mức vận tốc tương đối cao là 110 km/h.
Để công bằng nhất có thể, người lái thậm chí đã được chỉ dẫn từ trước về việc những tính năng kể trên được chỉnh ra sao và nằm ở vị trí nào trong xe. Nhóm thử nghiệm cũng sẽ đo lại quãng đường xe di chuyển trong lúc người lái thực hiện mọi thao tác. Nơi diễn ra là tại đường băng của một sân bay tỉnh lẻ ở Thụy Điển, nơi hàng ngày có rất ít chuyến bay nên hầu như không gây ảnh hưởng.
Trong số 12 chiếc xe tham gia cuộc thử nghiệm, chỉ duy nhất 1 chiếc sở hữu hệ thống giải trí thuần nút bấm và hoàn toàn không có cảm ứng, đó là Volvo V70 đời 2005. 11 chiếc còn lại đều là xe đời mới và đều trang bị màn hình cảm ứng cho hệ thống giải trí trung tâm.
Theo kết quả tạp chí này thu được, chiếc Volvo V70 có tuổi đời 17 năm chính là xe tiện cho người dùng nhất. Trên chiếc xe này, người lái chỉ mất đúng 10 giây để hoàn tất mọi thao tác được yêu cầu và trong quãng thời gian đó xe mới chỉ di chuyển hết quãng đường 300 mét.
Trong khi đó, với 11 chiếc xe còn lại, thời gian trung bình cần cho người lái làm xong những thao tác kể trên là 24,7 giây, tức là cao hơn 2,5 lần so với chiếc Volvo V70 "không-cảm-ứng". Tùy vào cách thiết kế và trình bày của hệ thống giải trí trên những chiếc xe này mà thời gian và quãng đường đi được trong bài test chênh lệch nhau khá nhiều.
Có kết quả tệ hại nhất là chiếc MG Marvel R, khiến người lái mất 44,9 giây để làm xong các thao tác và trong lúc đó xe đã di chuyển hết 1,372 km. Tiếp đến là BMW iX (30,4 giây/928 mét), Seat Leon (29,3 giây/895 mét), Hyundai Ioniq 5 (26,7 giây/815 mét), Volkswagen ID.3 (25,7 giây/786 mét), Nissan Qashqai (25,1 giây/765 mét) và Tesla Model 3 (23,5 giây/717 mét).
Một vài chiếc lại thể hiện tương đối tốt, gần với thành tích của chiếc V70 "đời Tống" chẳng hạn như Dacia Sandero (13,5 giây/414 mét) hay Volvo C40 (13,7 giây/417 mét). Còn lại là Subaru Outback (19,4 giây/592 mét) và Mercedes GLB (20,2 giây/616 mét) có thể coi như ở mức độ tạm ổn.
Các biên tập viên tạp chí Vi Bilägare nhận thấy, xe nào càng ít nút bấm và quá lệ thuộc vào màn hình cảm ứng thì kết quả càng kém, điển hình như chiếc MG Marvel R. Còn những chiếc Dacia Sandero và Volvo C40 có kết quả tốt là nhờ vẫn còn duy trì nhiều nút bấm điều khiển bên cạnh màn hình cảm ứng.
Đối với trường hợp của BMW iX, Mercedes GLB hay Tesla Model 3, mặc dù chúng vẫn bố trí các nút vật lý song song với màn hình cảm ứng nhưng giao diện điều khiển lại khá rắc rối, khiến người lái mất thêm thời gian "mò mẫm". Chiếc Tesla còn bị chỉ trích vì đưa phanh tay và số lùi vào trong màn hình cảm ứng, dù rằng đây là 2 yếu tố quan trọng của hệ thống lái. Volkswagen ID.3 và Seat Leon thì không có đèn nền dưới nút điều khiển điều hòa, nếu chạy xe ban đêm gần như chắc chắn không thể bấm chính xác được.
Bên cạnh đó, góc quan sát từ phía đầu người lái đến màn hình cảm ứng cũng sẽ quyết định liệu thời gian xử lý tiêu tốn nhiều hay không. Lấy ví dụ chiếc Mercedes GLB, người lái chỉ cần cúi đầu xuống khoảng 20 độ là thấy được các thông tin đang hiển thị, trong khi đối với chiếc MG Marvel R thì buộc phải cúi đầu thấp xuống tới 56 độ để quan sát.
… nên người lái sẽ ít bị phân tâm hơn so với khi đi trên MG Marvel R
Ngoài ra, Vi Bilägare còn cho biết rằng họ không có ý định thử nghiệm chức năng điều khiển bằng giọng nói. Theo tạp chí này, mặc dù đây là tính năng được các hãng xe quảng cáo thường xuyên nhưng bản thân chúng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như khó sử dụng, tốn nhiều thời gian, số lượng ngôn ngữ nhận biết được còn hạn chế và đặc biệt nhất là… không phải hệ thống nào trên xe cũng có thể điều khiển được bằng giọng nói. Tức là còn phiền phức hơn và không thể bổ trợ cho bề mặt cảm ứng được.
Như vậy, rõ ràng việc loại bỏ bớt các nút bấm vật lý đã khiến cho quá trình sử dụng xe trở nên khó khăn, rườm rà và phức tạp không cần thiết. Màn hình cảm ứng dù nhìn đẹp mắt hơn và trông có vẻ hiện đại hơn, nhưng để dùng cho việc điều khiển chức năng trên xe hơi thì chúng chưa hẳn đã là cách thức phù hợp nhất, đặc biệt đối với người lái.
Tham khảo Vi Bilägare