Hệ thống bó cứng phanh (Anti-lock Braking System – ABS)
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS được coi là một trong những trang bị an toàn hàng đầu và buộc phải có trên bất kỳ mẫu xe nào. ABS có nhiệm vụ giúp người điều khiển xe ô tô kiểm soát được hướng đi của xe trong các tình huống phanh đột ngột. Nếu không có công nghệ chống bó cứng phanh này, người lái sẽ phải thực hiện kỹ thuật phanh xe rất phức tạp khi phanh gấp, đó là: liên tục tiến hành đạp, nhả chân phanh và dựa trên cảm nhận về dấu hiệu trượt bánh xe để xử lý sao cho tốt. Nhờ có ABS với những cảm biến được lắp trên bánh xe, người lái có thể phanh xe một cách dễ dàng và an toàn hơn.
Khi người lái phanh gấp, ECU sẽ nhận thông tin từ các cảm biến tốc độ đặt tại bánh xe nhằm kiểm soát tốc độ quay của các bánh. Nếu phát hiện được một hay nhiều bánh có nguy cơ bị bó cứng hay có dấu hiệu trượt thì ABS sẽ có trách nhiệm giảm thiểu áp suất lực dầu tác động lên hệ thống phanh đĩa của bánh xe đó. Nhờ vậy mà bánh xe không bị bó cứng, hạn chế tình trạng xe bị trượt hoặc lật nhào trên đường. Bên cạnh đó, khi một trong các bánh xe có tốc độ quay quá nhanh, ABS cũng sẽ thực hiện thao tác nhấn – nhả thanh kẹp trên phanh đĩa liên tục để đảm bảo quá trình hãm bánh. Đối với các xe không có ABS, lực phanh sẽ khiến bánh xe bị bó cứng.
Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử (Electronic Brakeforce Distribution – EBD)
Các hãng ô tô ngày càng nghiên cứu và cho ra đời nhiều công nghệ sản xuất phanh xe hiện đại. Trong đó, nổi bật có EBD là hệ thống có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho quá trình phanh. Đây là hệ thống tự động, vì vậy người lái không cần phải kích hoạt hay tắt nó. EBD có nhiệm vụ phân bổ lực phanh sao cho đều đặn tới các bánh, giúp xe không bị mất cân bằng khi dừng lại.
Khi hai hệ thống EBD và ABS kết hợp với nhau, quá trình phanh sẽ được đảm bảo an toàn ở mức độ tối ưu. Nếu xe ô tô không được trang bị phân bố lực phanh điện tử EBD, khi phanh gấp có thể xảy ra tình trạng lực phanh bị lệch khiến xe nghiêng về một phía và có nguy cơ bị trượt bánh rất cao. Nhờ EBD, lực phanh sẽ được phân bổ một cách hợp lý dựa trên các thông số chính xác về trải trọng xe, tốc độ, độ bám đường.
Hệ thống hỗ trợ phanh lúc khẩn cấp (Braking Assist – BA)
Hầu hết kinh nghiệm mua xe ô tô lần đầu đều khuyến khích người dùng lựa chọn các dòng xe có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp. Đây là hệ thống thường được trang bị kèm với EBD. Các hoạt động của hệ thống này phụ thuộc vào 3 trang bị: hệ thống cảm biến kiểm soát trạng thái bàn đạp phanh; van điện và cả bộ phận khuếch đại lực phanh (trợ lực phanh). Trên thực tế, đã có các thí nghiệm so sánh giữa xe có BA và xe không có BA. Ở tốc độ 100 km/h, kết quả nhận thấy xe được trang bị BA có quãng đường phanh ngắn hơn đến 6 m so với xe không được trang bị BA.
Khi phát hiện người điều khiển xe chuẩn bị phanh gấp, BA sẽ hỗ trợ sao cho quá trình phanh diễn ra nhanh chóng và kịp thời hơn. Van điện sẽ được kích hoạt để cấp khí nén vào bộ trợ lực phanh, nhờ vậy mà phanh có lực đủ mạnh đúng thời điểm. Ngay khi người lái nhả chân phanh thì BA sẽ ngừng hoạt động. Có một lưu ý hết sức quan trọng, đó là BA cần phải được trang bị đi kèm với ABS. Lý do là bởi độ khuếch đại vừa lớn vừa tức thời khiến phanh đạt mức độ tối đa trong thời gian ngắn nên nguy cơ xe bị trượt bánh sẽ cao hơn bình thường rất nhiều. ABS sẽ giúp phanh không bị bó cứng, chống lết bánh, ngăn ngừa tình trạng bánh xe bị trượt trên mặt đường.
Bên cạnh ba hệ thống điện tử hỗ trợ phanh kể trên, các nhà sản xuất cũng hay trang bị thêm những công nghệ phanh khác để hỗ trợ người lái khi tham gia giao thông. Đơn cử là hệ thống phanh tự động. Hệ thống này sử dụng các cảm biến đặt trước và sau xe để phát hiện phương tiện cắt ngang hoặc tới gần để đưa ra khả năng tự động hãm xe lập tức. Ngoài ra, một số các công nghệ khác áp dụng trên hệ thống phanh nhưng lại mang công dụng khác như giúp hạn chế mô-men xoắn, phân bổ công suất đến từng bánh xe,…
Tổng hợp