Ngành công nghiệp ô tô đang dần phải làm quen với mô hình trả phí thuê bao dịch vụ. BMW đã khởi xướng trào lưu này và từng tuyên bố rằng đây là mô hình kinh doanh bền vững, sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nay đến lượt Volvo quyết tâm triển khai dịch vụ tính phí hàng tháng thông qua hệ thống Qualcomm Digital Cockpit (khoang lái kỹ thuật số), bắt đầu từ chiếc xe điện EX90 hoàn toàn mới.
Cụ thể, Volvo EX90 được trang bị hệ thống giải trí với phần cứng là chip Snapdragon SA8155 mạnh mẽ của Qualcomm, kết hợp cùng phần mềm là hệ điều hành Android loại đặc biệt được phát triển riêng cho xe hơi. Người dùng sẽ thao tác trên hệ thống này như những gì từng quen thuộc với giao diện Android Auto trước đây mà không cần phải kết nối điện thoại, vì toàn bộ đã được cài đặt sẵn trên xe.
Những tính năng thiết yếu như nghe nhạc, xem video, tùy chỉnh thiết lập xe… đều được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp người sử dụng xe có nhu cầu thưởng thức cao cấp hơn, chẳng hạn như nhạc Hi-Res, phim 4K hoặc cần dịch vụ định vị dẫn đường chi tiết… thì những thứ này sẽ yêu cầu đăng ký gói trả phí hàng tháng.
Mặc dù được quảng cáo là sẽ "cải thiện trải nghiệm của khách hàng", những hãng xe như Volvo không hề giấu giếm nỗ lực tìm kiếm thêm những cách thức kiếm lợi nhuận mới, do xe điện ít phải bảo trì hơn so với xe động cơ đốt trong, nên chắc chắn nguồn thu từ dịch vụ hậu mãi theo kiểu truyền thống sẽ kém đi.
Tại triển lãm CES 2023 vừa qua, người đứng đầu bộ phận định nghĩa sản phẩm và quản lý đối tác của Volvo là ông Martin Kristensson đã từng phát biểu rằng: “Chúng ta sẽ thấy những chiếc xe cần có tuổi thọ sử dụng lâu hơn và để tăng thêm giá trị thì phần mềm đóng vai trò quan trọng, vì vậy chúng ta sẽ cần phải tìm ra những mô hình kinh doanh mới”.
Thêm vào đó, Mark Granger, người đứng đầu dự án sản phẩm Qualcomm Digital Cockpit, đã chỉ ra rằng "ngành công nghiệp ô tô đang đạt đến ngưỡng giống như điện thoại trước đây, khi chúng chuyển từ thông thường sang thông minh, có thể cập nhật được các ứng dụng và tính năng mới."
Tuy nhiên, những lời tuyên bố kể trên chưa hẳn đã có sức thuyết phục. Điện thoại chạy Android cũng như iOS của Apple từ lâu nay đều được cập nhật tính năng mới hoàn toàn miễn phí. Các nhà phát triển bên thứ ba cũng được tạo điều kiện tối đa để tạo ra thêm nhiều loại phần mềm bổ sung tính năng, cả miễn phí lẫn có thu phí, để khách hàng thoải mái lựa chọn.
Hiện nay, phần lớn mọi người trên khắp thế giới đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán các ứng dụng trả phí về nghe nhạc hay xem phim trực tuyến. Thế nên việc lặp lại những thứ này trên ô tô nghe có vẻ thừa thãi. Dường như chính Qualcomm cũng hiểu ra vấn đề, như lời chia sẻ của ông Granger: “Với sản phẩm của chúng tôi, các hãng xe có thể nghĩ ra thêm cách kiếm tiền từ những chức năng chỉ có ở xe hơi, chẳng hạn như đỗ xe tự động”.
Và như vậy mọi thứ đã rõ ràng. Kể từ nay, các hãng xe hoàn toàn có thể tạo ra một chiếc xe với đầy đủ mọi tính năng, nhưng khi khách hàng mua xe thì sẽ chỉ được tiếp cận với những gì cơ bản nhất. Còn nếu muốn kích hoạt các tính năng thuộc dạng "cao cấp" hoặc "tự động hóa", "trí tuệ nhân tạo AI"… thì nhiều khả năng là sẽ phải bỏ ra một khoản phí hàng tháng để sử dụng.
Ông Kristensson từng trấn an giới truyền thông tại CES 2023 rằng Volvo sẽ không tính thêm phí cho các tính năng an toàn. Tuy nhiên, việc hãng xe gốc Thụy Điển xếp tính năng nào vào nhóm "an toàn" thì hiện nay lại chẳng có quy chuẩn nào cả. Volvo hoàn toàn có thể giới thiệu những tính năng rất hiện đại, mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng, nhưng không coi nó là "tính năng an toàn", nên vẫn sẽ tính phí như thường.
Đại đa số người Mỹ đều đang phản đối kịch liệt mô hình trả phí thuê bao dịch vụ trên xe hơi. Nhưng có vẻ như các hãng xe đang không còn lựa chọn nào khác, nhất là đối với những hãng quyết tâm đi theo con đường phát triển xe điện.
Tham khảo Volvo, Qualcomm